Ưu thế cho hàng Việt Nam vào thị trường khó tính

Đó là nhận định của bà Alice Tepper Marlin – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức Trách nhiệm xã hội Quốc tế (SAI). SAI là một tổ chức có uy tín được thành lập với tôn chỉ cải thiện môi trường lao động và môi trường sinh hoạt cho cộng đồng, chuyên cung cấp phương thức để xây dựng tiêu chuẩn SA 8000. Bà Alice Tepper Marlin vừa sang Việt Nam nhân dịp SAI đặt văn phòng đại diện lâu dài ở Việt Nam. TS đã ghi lại cuộc trò chuyện của bà với báo giới về SAI và SA 8000.


Bà Alice Tepper Marlin nhận giấy phép hoạt động cho văn phòng SAI ở Việt Nam.

SA 8000 được đưa ra lần đầu tiên năm 1997 bởi một nhóm tổ chức bao gồm Liên minh công nhân, một số tổ chức về nhân quyền và quyền trẻ em, một số nhà bán lẻ, sản xuất. SA 8000 được thiết kế như là một chứng chỉ quốc tế đầu tiên cho những công ty đảm bảo được những quyền lợi cơ bản của người lao động. Nó dựa trên 12 công ước của Tổ chức lao động Quốc tế ILO, Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Các công ty phải đáp ứng được các tiêu chuẩn liên quan tới 9 lĩnh vực sau mới được cấp chứng chỉ SA 8000: Lao động trẻ em, Lao động cưỡng bức, Sức khoẻ và an toàn của người lao động, Quyền tự do lập hội, Không bị phân biệt đối xử, Thời gian lao động, Kỷ luật, Bồi thường, Các hệ thống quản lý.

Cái được lớn nhất của các DN, nhà máy Việt Nam khi được nhận SA 8000 là gì, thưa bà?

Như các bạn thấy người tiêu dùng tại Mỹ, Canada và các nước châu Âu không chỉ quan tâm đến những yếu tố liên quan trực tiếp đến sản phẩm như giá cả, chất lượng, mẫu mã, bao bì v.v… mà họ ngày càng quan tâm đến điều kiện làm việc của người công nhân tạo ra các sản phẩm ấy. Người tiêu dùng tại Bắc Mỹ và châu Âu đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của công nhân và trẻ em nên họ đã tỏ ra khá dè dặt khi mua các sản phẩm có nguồn gốc từ những DN, những quốc gia mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin ngược đãi công nhân, cưỡng bức lao động, sử dụng lao động trẻ em…

Và thực tế nhiều công ty trước khi đặt hàng của DN Việt Nam đã trực tiếp sang tận nơi để chứng kiến điều kiện làm việc của công nhân, kiểm tra nhà máy đối xử với người lao động như thế nào sau đó mới đưa ra quyết định chính thức. Nếu những hàng hóa mà DN, nhà máy của các bạn đạt được tiêu chuẩn SA 8000 đồng nghĩa với việc chúng đã có giấy thông hành vào nhiều thị trường khó tính, đòi hỏi DN phải đảm bảo trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, nhà máy, DN cũng tiết kiệm được chi phí, thời gian tiếp chuyên gia nước ngoài vào kiểm tra cơ sở sản xuất của mình.

Trong giai đoạn hai dự án của SAI, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các DN dệt may. Ai cũng biết đến tháng 1/2005 tới, chế độ hạn ngạch đối với hàng dệt may sẽ bị dỡ bỏ hoàn toàn. Vậy hàng dệt may Việt Nam có thể cạnh tranh với các sản phẩm này xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc trên thị trường thế giới về mặt giá cả? Và lợi thế cạnh tranh của các bạn là gì? Đất nước Việt Nam không phức tạp và rộng lớn như Trung Quốc, bản thân Luật Lao động Việt Nam đã rất mạnh, cộng vào đó thị trường chính của sản phẩm dệt may Việt Nam là châu Âu và Hoa Kỳ, nên DN Việt Nam cần đạt được SA 8000SA 8000 thực sự sẽ trở thành một yếu tố quan trọng tạo uy tín cho thương hiệu hàng hoá Việt Nam.

Thưa bà, hiện nay có nhiều DN không muốn tham gia đạt tiêu chuẩn SA 8000 do họ e ngại việc sẽ bị kiểm tra định kỳ ảnh hưởng không tốt tới hoạt động bình thường của nhà máy, bà suy nghĩ sao về vấn đề này?

Đôi khi người quản lý cũng có tư tưởng như vậy. Theo họ, việc bị kiểm tra định kỳ không khác gì với hành động can thiệp vào công việc nội bộ của nhà máy, làm mất thời gian của lãnh đạo, ảnh hưởng tới năng suất của công nhân và tất yếu sẽ làm lợi nhuận bị thiệt hại. Nhưng trên thực tế hoạt động kiểm tra này lại đảm bảo quyền lợi của công nhân và đem lại lợi ích cho chính nhà máy, DN.

Có thể công việc quá bận rộn mà ban lãnh đạo nhà máy xao nhãng, không quan tâm đầy đủ tới điều kiện làm việc cho công nhân nhưng nhờ có người kiểm tra giúp mà họ có thể sửa sai kịp thời. Theo lý thuyết kinh tế, đầu tư cho yếu tố con người cũng quan trọng như đầu tư cho tư liệu sản xuất. Cải thiện điều kiện lao động cho công nhân thực chất là biện pháp để công nhân gắn bó với nhà máy, tăng năng suất lao động. Nhà máy vận hành tốt, tất yếu lợi nhuận, doanh thu sẽ tăng theo. Lãnh đạo DN, nhà máy đừng vì lợi ích trước mắt mà cần phải có tầm nhìn lâu dài.

Tôi vừa đi thăm một xưởng sản xuất ở TP.HCM, ở đó xưởng lợp mái tôn nóng như thiêu, còn công nhân cũng không có ý thức gì về quần áo bảo hộ lao động, vẫn mặc quần jean. Cứ vài ngày lại có công nhân nghỉ việc hay ốm, ngất do quá nóng. Và như vậy nạn nhân sẽ chính là nhà máy vì họ phải tốn thêm chi phí tuyển dụng công nhân, mất công đào tạo. Công nhân hay nghỉ việc và điều kiện làm việc như vậy làm sao có thể bảo đảm năng suất lao động? Tôi muốn nhấn mạnh, nếu điều kiện làm việc của công nhân tốt thì cả hai cùng được lợi.

Vậy mục tiêu của SAI ở Việt Nam là gì? Bà có thể cho biết kế hoạch của SAI ở Việt Nam trong năm 2004?

Mục tiêu của chúng tôi là phát triển một cơ sở thông tin để thiết lập công tác đào tạo về tiêu chuẩn SA 8000 và các chương trình khác trong bối cảnh thích hợp. Đồng thời xây dựng chương trình này đến tầm cỡ quốc gia nhằm thúc đẩy và đảm bảo tính hiệu quả của việc thực hiện tiêu chuẩn SA 8000. SAI vừa nhận được giấy phép hoạt động ở Việt Nam trong thời hạn 1 năm (sau đó lại được gia hạn). Chúng tôi không còn nhận nguồn tài trợ của Chính phủ Mỹ mà đã xin được thêm tài trợ để hoạt động ở Việt Nam ít nhất đến hết năm 2005.

Ở Việt Nam có rất nhiều DN vừa và nhỏ, mà việc xin cấp SA 8000 có phần quá tốn kém nên SAI quyết định thông qua các hiệp hội ngành để giúp đỡ họ; tổ chức các nhóm nhà máy để họ có thể tự giúp nhau duy trì, đảm bảo những tiêu chuẩn SA 8000. SAI cũng có kế hoạch mở rộng hợp tác với nhiều cơ quan Chính phủ Việt Nam như Bộ Lao động thương binh xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội dệt may Việt Nam, Hiệp hội da giày…

Cuối cùng tôi muốn nói, DN, nhà máy để đạt được SA 8000 sẽ phải tốn thêm chi phí ( khoảng 10.000USD và cứ 3 năm làm lại một lần). Nhưng chi phí này trước tiên phục vụ cho lợi ích của chính DN, nhà máy và nó cũng thể hiện trách nhiệm của họ đối với xã hội.

 
Pages: 1 2

Leave a Reply